Những ngày cuối năm lặng lẽ, con gái mua cho mình “Quà của Bố – Trần Đình Dũng”. Ba biết không, con gái đọc mà nước mắt ứa ra, lăn dài theo từng câu chữ, theo bóng cả yêu thương của những người làm cha. Con bật cười rồi lại khóc, khóc rồi lại cười vì những hạnh phúc vỗ về. Bố Dũng và ba Long của con gái có những điểm giông giống mà cũng khang khác…
Con gái chợt nhớ về tuối thơ, lúc được ba đưa đi học mỗi sáng, tranh thủ 10 phút ngồi xe, con gái vòng tay ôm ba thật chặt, tựa người vào tấm lưng âm ấm rồi… ngủ nướng tiếp!!! Ba cũng thiệt là bó tay, chỉ còn biết lái xe một tay cho thật cẩn thận để tay còn lại giữ con gái cho chặt. Ba nè! Lúc đó dù trời có sập con cũng chẳng bao giờ hốt hoảng rồi chạy tán loạn lung tung, bởi nơi con gái được an toàn và bình yên nhất là đây.
Rồi cũng đến cổng trường, ba con mình phải tạm biệt nhau. Không biết ba có đợi con ngoái nhìn hay không nhưng con gái lúc nào cũng đợi ba đi rồi mới ngoái nhìn ba. Con gái lại vội chạy ra cổng phụ, đôi mắt kịp với theo cái dáng phong trần, sương gió, làn da ngăm đen nắng cháy dưới một lớp áo sơ mi mỏng manh. Bóng ba khuất dần sau làn sương, con gái nhìn theo mà thẫn thờ. Nắng sớm chưa vội lên để mặc sương phả vào khuôn mặt ba, rồi phủ xuống cả đôi vai con gái. Một mình con bé nhỏ chơi vơi giữa sân trường buổi sớm. “Ngoái nhìn – khoảnh khắc của quyến luyến, trân trọng, tiếc nuối, thiết tha…”
Con gái yêu những phút giây ba và con cùng xem ti vi, có những tranh luận mà cũng có những câu chuyện ba kể hài ơi là hài, con gái không nhịn cười được và hậu quả là con “phun cơm nhả canh” ra khắp nơi.
Con gái tự hỏi không biết ba có phát ngán khi hát đi hát lại bài Dư âm bởi con chẳng chịu tập đàn bài nào khác cả…?..
Ba không bảo bọc con gái nhiều, ba bảo vệ con bằng cách tập cho con cách bảo vệ chính mình. Nhưng con gái luôn biết có ánh mắt dõi theo từng bước đi trên đường đời, có trái tim nhói đau khi con gái khụy ngã, có tấm lòng xót xa thổn thức khi con gái ốm đau bệnh tật. Con gái có tất cả trên đời… ba nhỉ..?…
Và, con gái lớn lên như thế…
Con gái đi làm, có áp lực, có đam mê,… thấu hiểu một phần những nhọc nhằn, lo toan ba mang… cảm thông những lúc ba đùng đùng nổi giận vô cớ. Thương và thương ba nhiều hơn nữa.
Con gái đi làm, tối nào ba cũng điện hỏi con ăn cơm, ăn hủ tiếu, A, B, C, D….. không? Ba mua về cho. Thỉnh thoảng, ba dắt con gái đi ăn, con gái gắp một nửa phần của mình sang tô của ba…
Ba ơi… Có lẽ con gái lại sắp yêu lần nữa và con đang dùng lý trí để ngăn nó lại. Ba luôn biết rằng con gái chẳng bao giờ thôi bướng.
“Nhà thiếu cha như nhà thiếu nóc….
Nhà thiếu mẹ như nhà thiếu vách…
Nhà thiếu con là nhà rỗng không…
Thiếu nóc, người ta không gọi là nhà.
Thiếu vách, người ta gọi là chỗ trú tạm.
Thiếu vật dụng, người ta gọi là hoang vắng…
……
Điều kỳ diệu là khi túng quẫn, người ta bán nhà, nhưng người ta thường mang vật dụng theo mình…”
Làm bố là một điều thiêng liêng diệu kỳ nhất mà ai cũng phải trân trọng phải không ba…
……….
Những ngày cuối năm, con gái chẳng muốn đến chỗ đông người dù đó là bạn thân hay những khuôn mặt xa lạ. Con gái thích một mình dạo phố thênh thang, chốc chốc nhẹ nhàng xuýt xoa những nỗi buồn miên man, vòng tay ôm lấy mình để chống lại cái lạnh trời đêm và quên đi cái cô đơn trống trải bất tận… Con gái chẳng ổn chút nào. Nhưng ba chẳng biết đâu vì con gái giỏi giả vờ lắm!
Con gái hiểu rằng, có những giấc mơ chỉ là mơ ước xa xôi…
Hôm nay bỗng dưng mắt bên phải của con gái nhức ơi là nhức và mờ ơi là mờ, dùng con mắt còn lại ngồi đánh những ưu tư đêm chở nặng. Thuốc nhỏ mắt cứ liên tục được bơm vào và nghẹn đắng cổ họng bé con. Con gái khẽ cuối mặt và luôn để mắt ba chạm vào phía bên trái con, để ba yên tâm rằng con gái vẫn bình thường như mọi ngày, như cuộc đời vẫn thở đều theo tháng năm yêu thương…